August Nguyen

#FYP

Cuộc đời mình chắc cũng đã trải qua vài lần hành xác. Dù mỗi lần đều mệt một kiểu khác nhau, nhưng trong số đó, FYP lại là cái lần hành xác đáng quên và khó quên nhất. Không đến nỗi rụng rời chân tay, nhưng trong lòng luôn mệt nhoài và nặng trĩu. Những ngày làm FYP, đặc biệt là 1/3 cuối, đảo ngược hoàn toàn đồng hồ sinh học của mình. Lúc đó, mình đã mang hẳn đệm từ trên giường xuống đất để được ngủ ngay dưới cái quạt trần; và với tư thế ngủ quay đầu ra cửa, cả thế giới như chổng ngược cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen mỗi lần mình đặt đầu xuống gối. Mình vốn là đứa mê ngủ ngày, có thể thức dậy lúc giữa trưa bất kể đi ngủ sớm hay muộn, nên để mình có thể ngủ chỉ vừa đủ giấc, giờ đi ngủ là 5h sáng. Đầu óc lúc nào cũng lơ lửng, cảm giác như cái chết đang đếm ngược từng ngày, không đêm nào ngủ ngon, đôi khi thứ nước từ cái tủ lạnh mất điện rỉ ra thấm vào đệm cũng làm mình tỉnh giấc.

FYP của mình vốn dĩ to gấp 4 lần, tính riêng thành phẩm chính chứ chưa nói đến mấy món đi kèm. Nhưng rồi cứ mỗi tuần trôi qua, khối lượng thành phẩm lại bị cắt giảm dần dần, cũng giống như bãi bồi Mekong bị rửa trôi bởi dòng sông nghiệt ngã. Đến tận cái đêm ngay trước ngày produce của mình, cũng chính là ngày dựng show, mình vẫn còn năm trang trắng trơn. Lúc đó chẳng biết ai dựa mà hãy còn tham vọng và lạc quan lắm, nên thay vì bắt đầu vẽ luôn cho xong deliverable chính, mình bò ra trên tấm bìa to bằng nửa căn phòng Hall 7, rị mọ cắt die cut cho cái hộp mà thậm chí còn chẳng biết có đựng vừa cuốn sách hay không. Kết cục dễ đoán, bốn tấm bìa kể cả hai tấm sơ cua đã vào thùng rác. Lưỡi dao đã kề vào cổ, và trong cái giây phút sinh tử lúc hai giờ sáng ngày 10 tháng 5 năm 2018, bản năng sinh tồn của mình đã trỗi dậy và vạch ra một con đường tắt. Mình lấy một phần khác trong FYP, thêm bớt objects, chỉnh màu và đắp vào khoảng trống, tim vẫn đập thình thịch đầy kịch tính. Best giật gấu vá vai.

Ngủ chập chờn được một tí, bảy giờ mấy sáng đã phải dựng dậy, đầu tỉnh như sáo vì lo, không dám ăn uống gì mà vọt thẳng ra National Design Centre khi trời vẫn còn trắng ởn. Khi mình đến nơi, thợ chỉ mới dựng xong phần khung và vách, còn bục vẫn chưa chở đến. Bên trong tòa nhà chỉ lác đác năm bảy mống. Có một chút yên tâm rằng vẫn còn sớm, mình để hết đồ đạc lại, chỉ xách theo mớ giấy và mấy chai keo xịt để đóng ruột sách, rồi tiếp tục lội ra xưởng in ở Rochor. Công việc hôm đó đăng đăng đê đê đến nỗi mình đã plan đến từng giờ từ hôm trước: từ đi in ruột, in sticker, đóng bìa, mua đồ, thậm chí cả giờ ăn giờ uống; và chỉ còn biết cross fingers hy vọng đừng có cái gì đi sai.

Spoiler: what could go wrong, went hella wrong.

Mình đến nhà in trong Wilkie Edge lúc 10 giờ, tạm coi như là đúng lịch trình. Cái màn hình máy tính của mình vốn bị ám xanh khá nặng, màu hiển thị luôn lạnh hơn đồ thật; và trong khi từ trước tới giờ in cái gì ra cũng bị vàng bị đỏ trông hết sức quê mùa lác lúa, thì bản in thử đéo biết vì lý do thần thánh gì lại đẹp hơn mình kỳ vọng và đúng màu đến bất ngờ. Thế là mình cũng chẳng còn gì lấn cấn nên gửi hết 24 trang ruột sách cho nhà in, rồi chạy ra Peace Centre đối diện in tiếp vinyl sticker cho bảng chữ. Nhà in bảo font Kaisho mình làm quá mảnh, khi dán ra sẽ dễ bị đứt lìa. Thế là phải ngồi lại để chỉnh tấm bảng chữ cho nét dày lên. Chị nhà in bảo ngày mai lấy; và sau một hồi năn nỉ nhẹ rằng ngày mai show sẽ chấm, mình sẽ chớt mất nếu không kịp tối nay, chị bảo mình đến lấy trước khi tiệm đóng cửa lúc 7 giờ tối. Mình cảm ơn chị, gửi file rồi đi ra, cảm giác như đeo thêm một cái gông lên cổ. Lúc đó đã mười hai giờ, mặt trời đứng bóng chang chang.

Mình chạy ngược về Bugis, và sau khi ăn trưa đàng hoàng để bù lại bữa sáng, mình đi mua vật liệu để trang trí quầy. Khâu mua đồ này lại là một sự liều lĩnh khác, vì lúc đó mình còn chẳng dám chắc cái quầy của mình sau cùng sẽ ra sao, nên chẳng biết cuộn giấy sẽ thiếu hay sẽ thừa. Mình mua đại hai cuộn giấy được quấn bao kiếng bóng lộn, nhìn ngoài chẳng biết là láng hay thô. Lỡ mua về không vừa ý là căng, còn nửa đêm mà thiếu giấy chắc có trời cứu. Mình không dám phân vân lâu, vì gì thì gì, muốn sống phải cố mà theo kịp lịch trình. Mua xong, mình băng qua lộ để trở về NDC, quăng hai cuộn giấy xuống sát vách rồi lại phắn ra Rochor để lấy bản in. Hai trăm đô; dù hoàn toàn nằm trong dự chi nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác lạnh sống lưng nhè nhẹ.

Ba giờ chiều.

Mình đi ra Lasalle kiếm một chỗ vắng người ngồi đóng sách. Mình đã in hai bản giấy bìa, một bản để thử cắt một cái cut-out, và sẽ tạo thành một cái cửa sổ để nhìn xuyên vào trang lót. Trong thế giới quan lý tưởng, thì mình sẽ dùng cái máy graphtec ở trường để cắt một cái cut-out tuyệt đẹp và vừa khít với tấm bìa đã đục sẵn bằng máy cắt laser. Nhưng lúc đó đã quá muộn để quay về trường, mà có quay về trường thì cũng chẳng còn ai trực trong workshop vì đơn giản là tụi nó cũng đang mài mặt khắp nơi để chuẩn bị FYP Show như mình. Mình cố cắt nó bằng dao bấm, và rồi cho nó vào sọt rác không lâu sau đó như một bad ending dễ đoán.

Ruột sách của mình đóng dos-à-dos, tức là hai spread liền nhau sẽ được in riêng biệt, in một mặt, và hai mặt trắng sẽ đấu lưng lại với nhau. Để hạn chế tối đa tình trạng giấy ngậm nước từ keo dán mà trở nên quăn queo, mình đã chọn mua keo xịt. Loại keo này khô rất nhanh, dính rất chặt, và dây vào tay thì cực kì nhớp nhúa. Và ở một nơi được thiết kế khí động học gió lùa lồng lộng như Lasalle, chuyện gì đến cũng đến. Keo xịt bay tứ lung tung, dây vào mọi thứ từ bàn ghế tới bản in, tạo thành một bề mặt vừa gai như giấy nhám vừa dinh dính như kẹo. Trong một giây sơ ý, mình đã dán ngược đầu một đôi, nhưng may là chưa dằn nên vẫn còn chút hy vọng để tháo ra. Mình tách hai đứa chết tiệt đó ra hết năm phút, và đóng xong cuốn sách đã sáu giờ chiều. Xách được đến Sunshine Plaza để xén thì cửa tiệm đã đóng gần hết. Mình vào một tiệm in nhỏ theo lời một đứa mình quen, phần cũng vì chẳng còn bao nhiêu tiệm mở cửa, và tảng quàng nhận ra bên trong đang đặc kín người vì một lý do quá rõ ràng: hôm đó không chỉ là ngày produce của riêng mình. Mình đứng chờ mà thậm chí còn không biết mình đang chờ cái gì. Cứ mỗi khi cảm thấy như mình chuẩn bị đến lượt, thì lại có một ai đó chen ngang. Chờ cho đến khi thời gian đến 7 giờ tối đếm ngược từng phút, mình bỏ luôn để chạy qua xưởng in. Sunshine Plaza và Peace Center đối diện nhau, chỉ cách nhau hai lần qua đường, cách nhau một trăm hai mươi mét, nhưng lại cảm thấy tít tắp mù khơi, đến nỗi 30 giây chờ đèn đỏ thôi cũng trở nên chí mạng.

Mình đến nơi vừa kịp lúc để lấy sticker, và lại phải quay lại để xén bản in. Tiệm đã bớt đông hơn nhưng sự thiếu chuyên nghiệp và vô tổ chức làm mình phát điên. Mình được xén hai cuốn sách sau khoảng 15 phút đứng chầu chực như đang chờ một ân huệ nào đó. Chỉ xén thôi, 10 đô, và lý do họ ăn 10 đô thay vì 5 đô là vì người xén sách không bỏ cả hai cuốn vào máy xén một lượt. Thậm chí họ còn xén lỗi và phải xén phạm vài li vào trong để dạt phần lỗi ra. Trời lúc đó đã tối mịt, tiệm in inkjet duy nhất mình biết bên Wilkie Edge hẳn đã đóng cửa, và nếu mình không chừa bleed rộng rãi thì có lẽ cuộc đời mình đã rẽ theo hướng khác vì FYP của mình bị hủy hoại.

Em không là duy nhất. Full size

Mình không ăn tối, vì về đến NDC đã 8 giờ, mà ở khu này ngoài cái food court đã đóng cửa bên Bras Basah Complex thì chỉ còn toàn các quán ăn atas đắt đến gai người. Mình bê đại một cái bục ở gần đó về lô của mình mà đứng đóng sách. Bìa cứng thô phải được cắt ra dựa theo phần ruột sách mới xén, rồi sau đó mới dùng keo xịt để dán giấy phủ lên, cuối cùng mới đóng ruột sách vào bằng keo nước. Sau đó mình dán chữ vinyl. Khâu này lại là một khâu tẩn mẩn nữa, và mất khoảng một tiếng để tất cả hoàn thành. Khi mình vừa mới đặt hai cuốn sách vừa đóng xong lên bục, tưởng sẽ ngon ăn mà bắt tay vào trang trí, thì một đứa khác lại đến đòi. Thế là lại phải chạy vạy khắp nơi để xem ai còn thừa, trước khi biết được là vẫn còn dăm ba cái bục nằm ngoài sân. Trời lúc đó bắt đầu mưa lâm râm, bưng cái bục vào phòng mà lòng héo queo héo quắt.

Từ hôm final presentation, bục của mình đã bị chê là đơn điệu và xa rời định hướng của FYP, thế nên mình đã cố gắng nghĩ nhiều cách để cho nó có thể hoành tráng hơn và ít nhiều gợi chủ đề sông nước. Một trong những cách mà ban đầu mình nghĩ đó là cắt giấy nâu thành những dải sóng dài, rồi kết lại như một cái rèm, để nó buông rũ từ xà trên của khung xuống mặt bục, rồi từ đó bao lấy bục luôn. Ý tưởng thì luôn luôn rất hay ho, thế là mình dành cả ba bốn tiếng đồng hồ bò ra trong một góc vắng ở NDC mà cắt. Hầu như tất cả những người còn lại đều có ít nhất một người khác giúp, bạn bè có, bạn trai bạn gái cũng có, nên mọi chuyện diễn tiến khá êm. Sau khi mình đã lọ mọ cắt cắt dán dán xong với mớ giấy rối rắm, luôn cong lại mãnh liệt vì vẫn còn nếp cuộn, thì người ta cũng về gần hết. Đã hơn một giờ sáng, và những đứa còn lại hoặc là vẫn còn làm, hoặc là ngồi nghỉ ở một góc đợi chuyến tàu đầu tiên vào buổi sáng.

Cái rèm giấy sau khi đã treo lên không hề đẹp như mình tưởng tượng. Đống giấy, vốn vẫn còn cong vì nếp cuộn, đan vào nhau lộn xộn và bị trọng lực kéo trì xuống đầy mệt mỏi, nhìn cẩu thả và dơ dáy đến hãi hùng. Một cảm giác tuyệt vọng đến thảm hại lập tức tràn vào. Mình ngay lập tức tháo nó xuống sau khi chỉ vừa treo lên, vì để cho tụi sinh viên gần đó phải nhìn thấy cũng là một sự nhục nhã, chứ đừng nói gì đến việc giữ nó lại trưng bày như một thành quả, khi mà nó trông không khác nào một đống rác vụn được dán lên tạm bợ.

Sau nửa tiếng xem Pinterest một cách bấn loạn tìm cách cứu vãn, bản năng sinh tồn một lần nữa lại trỗi dậy. Mình cắt phần giấy còn lại thành từng đợt sóng lớn, với phần biên dài hơn, và dán lên bục đổ từ mặt xuống đất, với phần kết tràn ra như nước chảy lan. Mình đặt cả tấm giấy xuống đất mà lượn mũi dao một cách đầy bản năng, trong đầu vẫn chẳng biết sau cùng sẽ hóa ra như thế nào. Lúc đó đã ba giờ sáng, cảm giác cô độc đến mấy cũng không bằng nỗi lo thất bại.

Và lần này trời thương. Mọi thứ trông không tệ, và không có vẻ gì là low effort. Thậm chí phần nếp giấy cong lên còn làm nó nổi bật hơn. Cảm giác nhẹ nhõm cả người, mình đặt đại hai cuốn sách lên mặt bục, để chiếc iMac mở nguyên cùng mớ rác dưới chân bục mà bỏ lên tầng hai, tìm một chiếc ghế sofa mà ngủ, lòng có một chút đắc thắng vì chắc rằng sẽ chẳng có ai dưới kia thèm bước lên tầng hai mà xem có gì ở đây. Ngủ chập chờn đến năm giờ rưỡi thì mình thức dậy, khá đau đầu do tư thế ngủ vặn vẹo, liền bắt chuyến tàu đầu tiên về trường. Đến hall thì trời vừa hửng sáng, và sau khi tắm rửa thì lập tức lăn ra ngủ, dự định ngủ khoảng ba tiếng đến 10 giờ lại dậy, trở vào NDC để in name card và nạp cái soundscape vào iMac để kịp giờ chấm bài vào lúc một giờ chiều.

Khoảng thời gian tháng Năm đó, bầy chim trong trường bắt đầu mùa gọi trống ầm ĩ mỗi sáng. Vẫn như mọi khi đi ngủ, mình nhét hai cục Blu Tack to vào tai để chống ồn. Mọi thứ bỗng nhiên quá yên lành, dù đầu óc quay cuồng nhưng trong lòng đầy sảng khoái.

Kết thúc thật đẹp đẽ và viên mãn…

Chưa.

Mình mở mắt ra kiểm tra điện thoại trong trạng thái vẫn còn choáng váng vì giấc ngủ, và lập tức sốc nặng đến mức muốn té xỉu. Hai giờ bốn mươi lăm phút chiều, một missed alarm, hai tin nhắn và rất nhiều cuộc gọi nhỡ từ Giáo sư. Mình hoàn toàn không hay biết một cái gì vì đã ngủ quá say sau hai mươi bốn giờ thức trắng, và vì tai đã bị Blu Tack bịt chặt.

“I was trying to do the grading just now, but your station was not fully set up. Please send me images of the final setup later. Thanks”

Tay mình run rẩy bấn loạn, chỉ kịp nhắn mấy lời xin lỗi cho Giáo sư rồi ngay lập tức rửa mặt, thay đồ để vào lại NDC bằng mọi giá, và nhanh nhất có thể. Mình bắt luôn taxi để đi, lòng ngập tràn uất hận, chỉ chực khóc nhưng không thể khóc nổi thành tiếng. Hai mươi phút sau, xe đậu ở cửa sau NDC dưới tiết trời gắt gỏng. Email phổ biến của trường đã nói rõ từ trước: tất cả mọi công việc phải dừng lại lúc một giờ, và không sinh viên nào được vào khuôn viên triển lãm trong thời gian chấm bài. Mồ hôi mình tuôn như tắm, tưởng tượng đến cảnh bên trong lặng ngắt như tờ, mình bước vào như một kẻ quái dị trong ánh mắt của cả một hội đồng giám khảo hàng chục người, mà chỉ muốn đào một cái lỗ để trốn luôn cho rồi.

Nhưng không.

Trời vẫn còn thương.

Bên trong, sinh viên Product Design vẫn còn lổn nhổn để tranh thủ đẽo gọt cho quầy triển lãm còn chưa hoàn thành. Các giám khảo, đâu chừng năm người, tản mát khắp nơi. Mình chỉ vừa rón rén tránh được sự bắt gặp của Candice và Nanci, thì gặp ngay Michael đang đứng ở quầy của mình. Trông ông có vẻ bối rối trước mớ hổ lốn vẫn còn ngổn ngang.

Mình nói thật luôn là mình đã ngủ quên, và xin Michael chỉ năm ba phút để dựng lại quầy. Ông châm chọc mấy câu rồi cười và bỏ đi, để mình muốn làm gì thì làm. Mình yêu giáo viên của ADM cũng là vì như vậy, đa số luôn rất vui vẻ hiền lành, và trong một chừng mực hợp lý nào đó thì sẽ sẵn sàng du di, kể cả Michael, người mình chưa từng học một môn nào mà chỉ gặp đúng ba lần từ những buổi báo cáo.

Mà sự thực là mình cũng không cần nhiều hơn năm phút. Dán hai cái chân đứng và dựng sách lên, rồi nạp website vào iMac và dọn dẹp rác dưới chân là xong. Sau đó, mình đi in name card và mua hộp đựng, trưng bày hết tất cả lên để chụp hình gởi Giáo sư.

Bốn giờ chiều.

Industry Night bắt đầu lúc bảy giờ tối. Lại phải bắt taxi về thay đồ rồi quay lại NDC cho kịp giờ. Nội ngày hôm đó, mình đã phải vung không dưới sáu mươi đô cho taxi, chỉ để cho riêng mình đi, để về tắm rửa thay đồ rồi quay lại. Một sự xài sang mà mình chưa bao giờ dám tưởng tượng.

Bi kịch rất dài, nhưng chưa phải tất cả.

Ba ngày sau ngày khai mạc, chỉ ba ngày, cuốn Mekong, 1995 đã biến mất. Một phần hai tác phẩm của mình, thứ mà mình đã bỏ ra cả trăm đô cùng một tấn bi kịch trầy da tróc vảy được tóm tắt bằng hai ngàn từ bên trên, đã bị người ta lấy mất, nhẹ nhàng và thanh thản như lấy một miếng bánh hay cốc nước dùng thử miễn phí trong siêu thị. Nhiều cuốn sách khác được triển lãm cũng bị xé toạc, và tai nghe để sử dụng cho các works âm thanh cũng bị đánh cắp. Nỗ lực để file report lên security cũng chỉ mang tính tượng trưng.

Ngày 20 tháng 5, triển lãm kết thúc, bắt đầu tháo dỡ. Tự tay xé toạc mớ giấy nâu dán bục và đem những gì còn lại đi về, kí ức lại hiện ra, xám ngắt và lạnh lẽo như bìa cuốn Mekong, 2100.

Thân là sinh viên arts, ai cũng đã kinh qua nhiều thứ hành xác suốt sáng thâu đêm. Nhưng chỉ đến FYP, mình mới nếm trải được những ngày đảo ngược, không những mệt nhoài mà còn đầy cô độc và chông chênh. Mình tự hào vì thành quả, và mình cũng tự hào vì tất cả những thứ mình đã vượt qua.

Nhưng không hề mong một ngày nào như vậy nữa.

DROP A COMMENT

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.